Bài 63: Thân xác phục sinh của Chúa Giê-su | Dưới ánh sáng Lời Chúa
Bài 63 :
THÂN XÁC PHỤC SINH
CỦA CHÚA GIÊ-SU
Chúng ta đang cử hành mùa Phục Sinh. Phụng vụ mời gọi chúng ta tiếp tục sống niềm vui phục sinh như các tông đồ năm xưa, cùng với tâm tình đón chờ điều Chúa Giê-su hứa ban chính là Chúa Thánh Thần (x. Lc 24,49 ; Cv 1,4). Chứng từ phục sinh của các môn đệ quan trọng ở việc đích thân các ngài được chạm đến Chúa Giê-su trong một thân xác phục sinh. Điều đó củng cố niềm tin cho các ngài và làm cho các ngài trở nên những chứng nhân khả tín của Chúa Ki-tô Phục Sinh (x. Lc 24,48).
Vậy, trong bài học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ dựa vào các trình thuật về biến cố Phục Sinh, cách riêng là với trình thuật Chúa Phục Sinh hiện ra trò chuyện và cùng ăn uống với các môn đệ của Người mà Tin Mừng Lu-ca thuật lại, để chúng ta tìm hiểu đôi chút về “con người phục sinh” của Chúa Giê-su, với ước mong được thông chia cảm nghiệm của các tông đồ khi tiếp xúc với thân xác phục sinh của Chúa Giê-su.
I. Thân xác Phục Sinh của Chúa Giê-su theo các Tin Mừng
Trình thuật Tin Mừng Lu-ca về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su phục sinh với hai môn đệ trên đường Em-mau kể cho chúng ta biết sau khi hai môn đệ này nhận ra Chúa Phục Sinh, họ đã lập tức quay trở lại Giê-ru-sa-lem để báo tin mừng Chúa đã sống lại cho các môn đệ khác. Tuy nhiên đang khi hai ông còn đang hào hứng thuật lại những gì xảy ra trên đường và việc các ông nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh, thì ngay lúc đó Chúa Giê-su lại hiện diện bằng xương bằng thịt giữa các ông với lời chào : “Bình an cho anh em !” (x. Lc 24,33-36).
Mặc dù các môn đệ đã được chính Chúa Giê-su chuẩn bị tinh thần đón nhận cuộc tử nạn và phục sinh của Người, tuy nhiên sau khi phục sinh, mỗi lần Chúa Giê-su hiện đến với các ông, các ông đều hoảng hốt và sợ hãi, thậm chí các ông còn tưởng đó là một hồn ma (x. Lc 20,37), và Chúa Giê-su luôn phải trấn an các ông : “Sao còn hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ?” (c. 38). Không chỉ vậy, Chúa Giê-su còn củng cố niềm tin của các ông bằng cách cho họ xem chân tay của Người : “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” (Lc 24,39).
Thưa quý ông bà và anh chị em,
Tất cả những điều đó được tác giả Lu-ca ghi lại nhằm chứng thực rằng Chúa Giê-su đã thực sự sống lại từ trong cõi chết với chính thân xác của mình, và đây là điều hoàn toàn mới mẻ và khác biệt với các quan điểm tôn giáo và triết thuyết cho rằng chết là sự giải thoát linh hồn khỏi thân xác ngục tù, hoặc quan điểm cho rằng sau khi chết người ta chuyển thế vào một kiếp khác, hoặc hoà nhập vào một cõi bất diệt nào đó. Vì thế, tác giả Lu-ca đã trình bày Chúa Phục Sinh trong một thân xác cụ thể, với những thực tại vật chất là đôi tay và đôi chân (χεῖράς καὶ πόδας [khei-ras kai po-das]), và lời khẳng định của Chúa Phục Sinh : “Chính Thầy đây mà” (ἐγώ εἰμι [ego eimi]). Khi trình bày Chúa Ki-tô với thân xác phục sinh cụ thể như thế, hẳn là tác giả Lu-ca có dụng ý nhấn mạnh cách thức mà Chúa Giê-su sẽ hiện diện trong cộng đoàn, một cách thức hiện diện hoàn toàn khác với cách hiện diện trước đây của Người. Điều này chúng ta có thể thấy trong trường hợp của hai môn đệ trên đường Em-mau. Mặc dù các ông được Chúa Phục Sinh hiện ra đồng hành và trò chuyện với các ông suốt đoạn đường dài, nhưng Chúa lạ đến nỗi các ông không nhận ra được đó là Thầy của họ (x. Lc 24,15-16), mãi cho đến khi Chúa phục sinh đồng bàn với họ trong bữa ăn, nhờ cử chỉ bẻ bánh, họ mới nhận ra đó là Thầy Giê-su của họ (Lc 24,30-31).
Trở lại với trình thuật Lc 24,33-48 mà chúng ta sẽ được nghe vào Chúa Nhật 3 Phục Sinh tới đây thì chúng ta thấy khi Chúa phục sinh hiện ra thì các môn đệ đã hoảng sợ, vì thế việc Chúa phục sinh cho phép các ông đụng chạm đến thân thể phục sinh của Chúa (x. Lc 24,39-40), hoặc là việc Chúa cùng ăn uống với các ông (Lc 24,42-43) đều nhằm chứng tỏ cho các ông biết rằng Chúa đã sống lại trong một thân xác thực sự của một con người “có xương có thịt” chứ không phải là “một hồn ma”. Đó là một thân xác hữu hình của một con người thực sự có tương quan mật thiết với người khác. Điều này được tác giả Lu-ca diễn tả bằng các hành động của Chúa Phục Sinh : đồng hành với các môn đệ (x. Lc 24,15), đồng bàn với họ (x. Lc 24,30), cùng ăn cùng uống trước mắt các ông (x. Lc 24,43).
Khi nói về “hồn, ma”, bản văn Lc 24,37 dùng thuật từ “pneu-ma” (πνεῦμα), vốn là một thuật từ có nhiều nghĩa, như:
+ thần khí (x. St 1,2 ; Tl 6,34 ; 1 Sm 10,6 ; 10,10 ; Rm 8,9 ; 1 Cr 7,40…)
+ gió (x. Xh 15,10 ; Ds 11,13)
+ tinh thần (x. Gđt 7,19)
+ linh hồn (x. 10,13).
Trong khi các tác giaả Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô sử dụng một từ riêng biệt là “phan-tas-ma” (φάντασμα) có nghĩa là “ma” (x. Mt 14,26 ; Mc 6,49), thì tác giả Lu-ca trình bày Chúa Phục Sinh không phải là một “hồn ma”, một “bóng ma”, mà cũng chẳng phải là bất cứ một thứ vô hình nào. Theo đó, tác giả Lu-ca muốn chúng ta hiểu rằng Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại trong một thân xác. Thân xác ấy vừa gần gũi với thế giới vật chất, vừa siêu vượt khỏi những giới hạn vật chất.
II. Niềm tin vào thân xác phục sinh của Chúa Giê-su
Trong bài giảng đầu tiên của thánh Phê-rô sau lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,14-36), thánh nhân đã trưng dẫn và giải thích Thánh Vịnh 16 (bản Hy-lạp) để chứng minh Chúa Giê-su đã chết và đã được Thiên Chúa cho sống lại trong một thân xác vinh hiển như sau :
Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng : người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Chúa Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng (Cv 2,29-32).
Đức Ki-tô Phục Sinh là đối tượng và là cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo, và những bài giảng của các Tông Đồ luôn quy chiếu về Chúa Giê-su Phục Sinh (x. Cv 1,22 ; 2,31-32 ; 4,33 ; Rm 1,4 ; 1 Pr 1,3). Từ niềm tin vào Chúa Giê-su đã sống lại đó, các Ki-tô hữu đi đến niềm tin vào việc thân xác loài người cũng sẽ được phục sinh như Chúa Giê-su đã phục sinh.
Dù vậy, ngay từ đầu, niềm tin Ki-tô giáo vào việc thân xác loài người sẽ phục sinh đã gặp phải những phản ứng chống đối quyết liệt (x. Cv 17,32 ; 1 Cr 15,12-13). Tuy nhiên, bất chấp những chống đối, niềm tin này đã được Hội Thánh kế thừa nơi các Tông Đồ xác tín rằng : Khi chết, linh hồn và thân xác bị tách biệt, thân xác bị hư hoại, còn linh hồn của nó đến gặp Thiên Chúa, mà vẫn mong đợi được kết hợp lại với thân xác được tôn vinh của mình, nhờ Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng sẽ vĩnh viễn trả lại sự sống bất hoại cho thân xác chúng ta (x. Giáo Lý HTCG số 997). Và để trả lời cho vấn đề thắc mắc rằng thân xác đã bị hư hoại thì làm sao sống lại thì thánh Phao-lô đã dạy rằng, cái thân xác bị hư hoại đó chẳng khác gì như một hạt giống được gieo trong lòng đất, nó thối đi, để từ đó sẽ mọc lên một hình thể bất diệt, cũng là cái thân xác bị huỷ hoại đó, nhưng nay được biến đổi nên một thân xác vinh quang (x. 1 Cr 15,35-53).
Dù sao thì “sự phục sinh” thân xác vẫn còn là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người chúng ta, và thật sự chúng ta cũng chỉ có thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm này trong ngày Đức Ki-tô quang lâm, tức là lúc mà tất cả những người đã chết kể từ thời tổ tông A-đam, tất cả sẽ được sống lại trong một thân xác vinh hiển cùng với Đức Ki-tô (x. 1 Tx 4,14-17).
Tìm hiểu những cách diễn tả của Kinh Thánh về việc phục sinh thân xác của Chúa Ki-tô, hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu và xác tín điều chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính : “Tôi tin kính Chúa Giê-su Ki-tô… ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại” ; và qua đó chúng ta cũng tuyên xưng rằng : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đó chính là niềm hy vọng sau hết của tất cả chúng ta.
Cầu nguyện
Chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh vịnh 16 :
Lạy CHÚA, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con ;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ.
Phần tuyệt hảo may mắn đã về con,
vâng, gia nghiệp ấy làm con thoả mãn.
Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy,
ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.
Con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan,
thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn.
Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty,
không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống :
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi !
bài liên quan mới nhất
- Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 92: Torah và Luật Lệ Do-Thái | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 91: Tại sao gọi Chúa Giê-su là "Con Vua Đa-vít"? | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 90: Nhóm Mười Hai -
Bài 89: Con Lạc đà chui qua Lỗ Kim | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 88: Nền tảng Kinh Thánh của lời kinh Mân Côi | Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa